Những quan điểm về trận chiến Trận_Austerlitz

Napoléon không đánh bại triệt để liên quân như mong đợi,[24] một phần là do tướng P. I. Bagration - vị tướng đã chiến đấu ngoan cường trong suốt trận đánh[97] - đã rút quân Nga an toàn.[98] Thế nhưng, trận Austerlitz vẫn được xem là một chiến thắng quyết định.[63] Các sử gia đều nhận xét rằng kế hoạch tác chiến của ông đã đưa đến một chiến thắng quan trọng. Trận thắng này trở thành biểu tượng cho tài năng của Hoàng đế Napoléon I.[99] Trong bối cảnh Napoléon I rất cần có một chiến thắng thì ông đã hoàn tất mục tiêu của mình.[33] Chỉ một chiến thắng lừng vang này thôi đã đủ thể hiện thiên tài quân sự của vị Hoàng đế nước Pháp, có nhận xét cho rằng không trận đánh nào phác họa chi tiết thiên tài quân sự của ông bằng.[29][84]

Đây là thắng lợi chiến thuật lớn, nối tiếp thắng lợi chiến lược của ông tại Ulm, đưa Napoléon I trở thành một trong những bậc thầy về nghệ thuật chỉ huy quân sự mọi thời đại.[75] Trận đánh Austerlitz này đã trở thành trận chiến chuẩn mực nhất theo kiểu Napoléon I.[99]

Cũng như những trận thắng quân Áo trước kia của ông, trận thắng này thể hiện sự phát huy các chiến thuật của bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp. Trận Austerlitz đôi khi được so sánh với những trận chiến vĩ đại về mặt chiến thuật như chiến thắng Cannae, Breitenfeld, HöchstädtLeuthen.[63] Thắng lợi lớn này đã bẽ gãy kế hoạch cắt đường tiến của Napoléon I từ thành Viên do các kẻ thù của ông lập nên, và thậm chí còn được xem là một thắng lợi lớn và quyết định cho chiến tranh - bẻ gãy sức kháng cự của kẻ thù. Không giống như các trận thắng ở Wagram (1809) và Borodino sau này, ông giành thắng lợi bằng cách sử dụng vận động chiến chứ không tấn công trực diện.[100] Có những sử gia cho rằng vì chiến thắng quá vang dội ở trận này mà Napoléon bắt đầu thiếu thực tế và bẻ cong chính sách đối ngoại của Pháp theo "chủ nghĩa Napoléon" của riêng ông.[101] Sau trận này, quan Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Maurice de Talleyrand-Périgord khuyên ông nên ký Hòa ước rộng lượng với nước Áo, và lập liên minh với Áo, bởi một nền thái bình lâu dài sẽ khiến cho nước Pháp yên vị bá chủ châu Âu - ngôi vị đã được trận Austerlitz củng cố, thay vì phải chinh phạt mọi nước châu Âu khác:[29][85] Tuy nhiên, Napoléon I thẳng thừng từ chối.

Các quân đoàn của Đế chế Pháp đã chiến đấu dũng cảm để giành chiến thắng.[43] Trong trận Austerlitz, 23% Đại quân Pháp là kỵ binh, họ đã lên đến cực điểm vinh quang phần lớn là nhờ chiến thắng lịch sử này,[102] và được châu Âu nhìn nhận là vượt trội hơn cả. Cuộc truy kích quân Liên minh diễn ra sau chiến thắng cũng được tiến hành hoàn hảo.[43] Trận chiến này cũng thể hiện các đội hình tuyến thứ hai của Đội quân vĩ đại vẫn còn được trang bị kém, khác với các đơn vị ở tuyến thứ nhất. Họ mất 12 nghìn khẩu súng hỏa mai trong cuộc giao tranh.[103] Các nhà sử học viết về trận chiến lừng danh này thường có quan điểm rằng sự bất lực của quân Liên minh - biểu hiện sự thối rữa của chế độ phong kiến cũ, khiến cho họ đại bại trước nhà quân sự bậc thầy Napoléon và đoàn quân tinh nhuệ của ông - thực chất là không đúng đắn. Rõ ràng, nhiều Trung đoàn, Sư đoàn và thậm chí cả Đội hình quân Liên Minh đã chiến đấu dũng mãnh và quyết liệt, chưa kể lực lượng của Bagration, Konstantin và Dokhturov còn rút quân có trật tự (mặc dù chiến bại của Konstantin ảnh hưởng lớn đến thất bại hoàn toàn của quân Liên minh - ông đã tùy tiện tấn công chứ không phải là do nghe theo mệnh lệnh của Tư lệnh Kutuzov[69][99]). Quân của Soult đã chiếm lĩnh được cao điểm Pratzen từ một lực lượng rời rã, nhưng họ cũng tự hiểu rằng họ đã phải chiến đấu rất cam go. St. Hilaire thậm chí đã yêu cầu triệt binh khỏi cao điểm Pratzen.[66]

Ngoài ra, trong cuộc tấn công của đội Cận vệ Hoàng gia Nga thì vài đơn vị anh dũng nhất của Pháp cũng đã bị đánh thiệt hại nặng. Cho dù có tài liệu viết rằng quân Pháp chỉ mất có 900 binh sĩ trong khi số thây tử sĩ Nga trên bãi chiến địa là 18.600 binh sĩ, các tài liệu khác cho rằng điểm hạn chế của chiến thắng này cũng thể hiện rõ qua việc tỷ lệ tổn thất của liên quân Nga - Áo hãy còn thấp hơn tổn thất trong những trận chiến của các cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ thứ XVIII (1702 - 1763): điển hình như liên quân Pháp - Bayern đại bại trong trận Höchstädt đã mất mát đến 60% quân đội của mình. Tinh thần kỷ cương, sự huấn luyện tốt và chặt chẽ của các quân đội phong kiến Áo và Nga đã khiến họ còn dễ hồi phục sau thất bại hơn các đội pháo thủ cầm súng lưỡi lê thế kỷ trước.[83] Do đó, khác với những cuốn sử thường ghi nhận, đọc kỹ sẽ thấy Hoàng đế Pháp đã phải chiến đấu rất gian khổ để giành thắng lợi lớn tại Austerlitz.[99] Ngoài quân Nga, binh lính Áo cũng can trường quyết chiến quyết đấu trong trận đánh.[43]

Với quyết tâm đánh trận này thì không phải là Napoléon I không có mạo hiểm. Ông đang phải chiến đấu trên đất địch. Giả thử như trận chiến đã diễn ra vào một ngày trước đó, lúc Bernadotte và Davout chưa đem quân tới, thì Đội quân vĩ đại sẽ bị áp đảo quân số nhiều hơn nữa, và do đó khó thể giành chiến thắng.[99] Cũng có thể cho rằng một nguyên nhân dẫn đến chiến thắng to lớn của ông là do kế hoạch tấn công của quân Liên minh,[97] nếu Nga hoàng Aleksandr I không thân chinh ra đánh thì sẽ không có một trận chiến Austerlitz, vì tướng Kutuzov có kế hoạch rút lui xa thêm nữa. Nếu như ông được quân đội của Đại Công tước Karl ở Ý tiếp viện, cùng với sự tham chiến dễ dàng xảy ra của nước Phổ, có lẽ ông sẽ quay về mà tổ chức tấn công vào đội quân Pháp đang đóng ở cuối tuyến tiếp tế trong một ngôi làng đã bị liên quân Nga - Áo di dời hết lương thực và đồ ăn động vật. Kết cục rất có thể là sẽ khác với trận Austerlitz đã diễn ra trong lịch sử.[77] Sách khác cũng cho rằng sai lầm lớn của Bộ Tư lệnh quân Liên minh là một nguyên nhân dẫn đến thắng lợi quyết định của Napoléon I, chứ nếu như Quận công thứ nhất của Wellington (Arthur Wellesley) - một danh tướng ngoan cường chỉ huy liên quân Nga - Áo, thì hẳn là vị Hoàng đế Pháp sẽ chẳng thể nào thắng lớn như vậy.

Sau các thảm họa tại Austerlitz và Friedland (1807), Bộ Tư lệnh quân Nga cũng dốc sức canh tân quân đội, và đây là một nguyên nhẫn dẫn đến thắng lợi lớn của người Nga trong Chiến tranh Pháp-Nga năm 1812.[104] Ngoài ra, có một thực tế khá thú vị về chiến thắng vĩ đại này, mà thường ít được chú ý tới. Đó là Hoàng đế Napoléon đã không tung tất cả những lực lượng có sẵn của ông vào chống nhau với Nga hoàng. Hơn nửa Binh đoàn của Davout hãy còn ở Viên. Hoàng đế cũng không truyền lệnh cho Marmont từ phía Nam Viên, hoặc là Thống chế Michel Ney từ vùng Tyrol về đánh liên quân Nga - Áo. Vốn từ ban đầu Napoléon giao cho Ney và Marmont ngăn ngừa đại quân Áo của Đại Quận công Karl tập kết với quân đội của Aleksandr I, nhưng ngay từ ngày 27 tháng 11 năm 1805 thì mọi sự đã rõ là Karl không thể liên kết với Aleksandr I được. Câu trả lời là hoặc là do Napoléon I coi thường quân Nga, hoặc là do ông không quen với quân số đông đảo, và ông không biết thế nào để sử dụng một đội quân như thế. Câu trả lời thứ hai được coi là thỏa đáng hơn; và, lực lượng của Napoléon I trong trận chiến này là đội quân hùng vĩ nhất mà ông đã từng triển khai trên chiến trận. Sang cuộc chiến tranh chống Phổ (1806 - 1807), ông sẽ còn biết cách tận dụng quân số đông đảo hơn.[75]

Lúc thắng trận này Napoléon chỉ mới có 35 tuổi và đã trải qua 10 năm trên con đường thăng tiến từ một vị tướng lên ngôi Hoàng đế.[87] Thực chất, cũng từ sau chiến thắng huy hoàng tại Austerlitz này, ông trở nên xem nhẹ nền quân sự của Nhà nước phong kiến Nga hoàng.[105] Lợi dụng sự thất bại đau đớn của nước Nga đồng thời được Napoléon I kích động, Đế quốc Ottoman một lần nữa tuyên chiến với Nga vào năm 1806, mở ra cuộc Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1806–1812). Để đánh bại được người Thổ Ottoman, người Nga đã phải chiến đấu vô cùng gian nan.[60] Như nhà binh pháp Phổ lừng danh là Karl von Clausewitz có lời bình: "ngay cả nếu một quyết định ban đầu được những người sau noi theo, nó vẫn mang tính quyết định hơn cả, vĩ đại hơn cả là sự ảnh hưởng của nó đến những người sau" - nói vậy thì trận đánh ở Austerlitz rõ là vĩ đại hơn hai trận đại chiến tại Leipzig (1813) và Waterloo (1815) - các trận mà Napoléon I bị Liên minh thứ sáuLiên minh thứ bảy đánh cho bại.[106]

Trận Austerlitz cho thấy sự gia tăng quân số trên chiến địa trong các trận đánh thời Napoléon I. Nếu trước đó, trong trận Marengo (1800) khi Napoléon I đại thắng Quân đội Áo, khoảng 6 vạn quân tham chiến, thì trận Austerlitz có tới 165 nghìn binh sĩ tham chiến.[107]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Austerlitz http://www.austerlitz2005.com/en/interests/legends http://books.google.com/books?id=KlNEAAAAIAAJ&prin... http://www.imdb.com/title/tt0053638/ http://www.vialupo.com/austerlitz http://www.virtualczech.cz/kraj-/927-bitva-u-slavk... http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-d.htm http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-e.htm http://books.google.de/books?id=-PUsAAAAYAAJ&dq=Hi... http://books.google.de/books?id=AnsOAAAAQAAJ&dq=Th... http://books.google.de/books?id=AoSYm1VAdJcC&dq=M....